Lưu trữ đám mây là gì?
Lưu trữ đám mây là hình thức lưu trữ dữ liệu trên Internet thông qua các máy chủ ảo được quản lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Dịch vụ này cho phép các doanh nghiệp lưu trữ và duy trì dữ liệu mà không cần sở hữu hay tự vận hành trung tâm dữ liệu, tối ưu chi phí từ mô hình CAPEX sang OPEX, linh hoạt mở rộng hoặc giảm thiểu diện tích lưu trữ tùy thuộc vào nhu cầu. Bạn có thể truy cập những dữ liệu này qua Internet công cộng hoặc kết nối riêng chuyên dụng. Các ứng dụng của bạn truy cập lưu trữ đám mây thông qua các giao thức lưu trữ truyền thống hoặc sử dụng trực tiếp giao diện lập trình ứng dụng (API).
Nhà cung cấp dịch vụ sẽ chịu trách nhiệm quản lý bảo mật và duy trì máy chủ và hạ tầng mạng, đảm bảo bạn luôn có thể truy cập dữ liệu một cách linh hoạt và không gian lưu trữ gần như không giới hạn. Hơn nữa, nhà cung cấp dịch vụ đám mây còn cung cấp các dịch vụ giúp thu thập, quản lý, bảo mật và phân tích dữ liệu ở quy mô lớn. Điều này giúp bạn tiếp cận và tận dụng dữ liệu một cách hiệu quả. Để đảm bảo tính sẵn có và độ tin cậy, các nhà cung cấp lưu trữ đám mây thường sẽ phân tán dữ liệu đến nhiều máy ảo trên các trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới. Khi nhu cầu lưu trữ tăng, nhà cung cấp đám mây sẽ gia tăng thêm máy ảo để xử lý khối lượng dữ liệu đó.

Lưu trữ đám mây là hình thức lưu trữ dữ liệu trên Internet thông qua các máy chủ ảo
4 mô hình lưu trữ đám mây
1. Công cộng (Public)
Dữ liệu được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, được phân tán trên nhiều máy chủ ảo khác nhau và thường được cung cấp dưới dạng đăng ký (subscription) hay trả tiền theo mức sử dụng (Pay as you go). Mô hình này được đánh giá là linh hoạt hơn, khi có khả năng mở rộng hoặc thu nhỏ tùy theo nhu cầu doanh nghiệp. Nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây công cộng thường cho phép truy cập dữ liệu từ bất kỳ thiết bị nào, bất kỳ nơi đâu.
2. Riêng tư (Private)
Đây là mô hình khi doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu trên máy chủ và trung tâm dữ liệu do họ tự xây dựng và vận hành. Hoặc các doanh nghiệp có thể hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ đám mây để thuê máy chủ và kết nối riêng mà không chia sẻ với những doanh nghiệp khác. Hình thức này thường được ứng dụng bởi các doanh nghiệp cần kiểm soát cao về dữ liệu, và có yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh.
3. Hỗn hợp (Hybrid)
Mô hình này kết hợp giữa lưu trữ nội bộ và công cộng, và cho phép doanh nghiệp quyết định dữ liệu nào sẽ được lưu trữ ở đâu. Mô hình lưu trữ hybrid thường có một lớp điều phối (orchestration) để tích hợp giữa hai mô hình đám mây công cộng và nội bộ. Mô hình hybrid mang tới sự linh hoạt, cho phép các doanh nghiệp vừa tuân thủ các yêu cầu về dữ liệu nhạy cảm, nhưng vẫn có thể mở rộng quy mô với đám mây công cộng nếu có nhu cầu.
4. Đa đám mây (Multicloud)
Mô hình đa đám mây được áp dụng khi một doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ lưu trữ đám mây từ nhiều nhà cung cấp khác nhau (bất kể công cộng hay nội bộ). Các doanh nghiệp có thể chọn mô hình đa đám mây nếu họ được yêu cầu phải lưu trữ ở một quốc gia cụ thể, các phòng ban được đào tạo trên nhiều đám mây khác nhau, hoặc doanh nghiệp có những nhu cầu khác mà không được nêu trong Thỏa thuận Dịch vụ (SLA) của nhà cung cấp. Mô hình lưu trữ đa đám mây cũng mang lại khả năng dự phòng cho doanh nghiệp. Mô hình này còn giúp các doanh nghiệp tinh chỉnh giải pháp lưu trữ theo nhu cầu cụ thể, tạo ra sự cân bằng giữa bảo mật dữ liệu, tuân thủ quy định về an ninh và khả năng mở rộng.

Lưu trữ đám mây mang tới một giải pháp lưu trữ linh hoạt và hiệu quả về chi phí
Lợi ích của lưu trữ đám mây
Lưu trữ đám mây mang tới một giải pháp lưu trữ linh hoạt và hiệu quả về chi phí. Bạn không còn phải lo lắng về việc hết dung lượng, duy trì các mạng khu vực lưu trữ (SAN), khoản chi phí để thay thế các thiết bị hỏng, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để mở rộng theo nhu cầu hoặc vận hành phần cứng không được tận dụng khi nhu cầu giảm đi. Lưu trữ đám mây giúp bạn mở rộng hoặc thu nhỏ theo nhu cầu và chỉ phải trả tiền cho mức lưu trữ bạn thực sự sử dụng. Đây là cách giúp các doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu trực tuyến một cách an toàn để có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, bạn không còn lo lắng về việc dành tài nguyên hữu hạn để tự quản lý lưu trữ, và lưu trữ đám mây cũng mang tới khả năng mở rộng khi doanh nghiệp phát triển. Đối với các doanh nghiệp lớn với tỷ lệ tỷ lệ lưu trữ và dữ liệu cao hơn nhiều, bạn có thể tin tưởng vào khả năng mở rộng, độ bền và tính tiết kiệm chi phí của lưu trữ đám mây để tạo ra các data lake tập trung, sao cho tất cả những người được cho phép có thể đồng thời truy cập.
1. Hiệu quả chi phí
Với lưu trữ đám mây, doanh nghiệp không cần mua phần cứng, không cần cấu hình lưu trữ, và không phung phí vốn thừa vào những đợt mở rộng theo nhu cầu kinh doanh. Bạn có thể thêm hoặc giảm dung lượng lưu trữ theo nhu cầu, thay đổi hiệu suất và tính năng nhanh chóng và chỉ trả tiền cho hạn mức bạn thực sự sử dụng. Khi dữ liệu ít được truy cập, bạn thậm chí có thể tự động chuyển nó đến lớp lưu trữ có mức giá thấp hơn, tạo ra thêm lợi ích về chi phí. Khối lượng công việc lưu trữ sẽ được chuyển từ hạ tầng on-prem lên đám mây, giúp giảm tổng chi phí sở hữu khi loại bỏ chi phí duy trì cơ sở hạ tầng lưu trữ.
2. Tăng cường sự linh hoạt
Với lưu trữ đám mây, chỉ cần một cú nhấp chuột để truy cập tài nguyên, giảm thời gian truy xuất tính bằng tuần xuống chỉ còn vài phút. Điều này mang lại sự linh hoạt và vận hành nhanh chóng, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.
3. Triển khai nhanh chóng
Các dịch vụ lưu trữ đám mây cho phép bộ phận IT nhanh chóng truy cập vào các dữ liệu cần thiết, bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Developer có thể tập trung xử lý các vấn đề phức tạp của ứng dụng thay vì phải giành nhiều thời gian vào quản lý hệ thống lưu trữ.
4. Quản lý dữ liệu hiệu quả
Bằng cách sử dụng các chính sách quản lý vòng đời (data lifecycle) của lưu trữ đám mây, bạn có thể thực hiện các cách thức quản lý thông tin hiệu quả như phân cấp tự động hoặc khóa dữ liệu để đáp ứng các chính sách bảo mật. Lưu trữ đám mây cũng có thể được sử dụng để tạo ra kho lưu trữ đa khu vực hoặc toàn cầu bằng cách sử dụng các công cụ sao chép.
5. Khả năng mở rộng không giới hạn
Lưu trữ đám mây cung cấp khả năng lưu trữ gần như không giới hạn, cho phép bạn mở rộng theo nhu cầu và cực kỳ nhanh chóng, loại bỏ hoàn toàn các hạn chế của lưu trữ tại chỗ. Bạn có thể mở rộng hay thu nhỏ trữ lượng lưu trữ một cách hiệu quả theo nhu cầu cho việc phân tích, data lake, sao lưu hoặc các ứng dụng Cloud Native.
6. Sự xuyên suốt của hoạt động kinh doanh
Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ lưu trữ dữ liệu của bạn tại các trung tâm dữ liệu an toàn với các tính năng bảo mật cao, đảm bảo hoạt động kinh doanh của bạn diễn ra xuyên suốt. Dịch vụ lưu trữ đám mây cũng được thiết kế để xử lý sự cố đồng thời của các thiết bị bằng cách phát hiện và khắc phục bất kỳ sự mất mát nào một cách nhanh chóng. Bạn cũng có thể bảo vệ dữ liệu của mình bằng cách thiết lập nhiều phiên bản và sao chép để thuận tiện hơn khi phục hồi từ những sự cố đánh cắp dữ liệu hay lỗi ứng dụng.

Có 3 hình thức lưu trữ đám mây phổ biến
3 hình thức lưu trữ đám mây phổ biến
1. Lưu trữ đối tượng (Object Storage)
Lưu trữ đối tượng là hình thức lưu trữ đám mây phù hợp với các doanh nghiệp cần lưu trữ một lượng dữ liệu phi cấu trúc lớn tăng nhanh, bao gồm hình ảnh, video, dữ liệu từ học máy (ML), dữ liệu cảm biến, tệp âm thanh và các loại nội dung web khác. Kiến trúc lưu trữ này dành cho các dữ liệu phi cấu trúc, chúng được lưu trữ dưới đúng định dạng ban đầu và cho phép tùy chỉnh siêu dữ liệu (metadata) để dễ dàng truy cập và phân tích. Thay vì lưu trữ trong các tệp hoặc cấu trúc thư mục, các đối tượng dữ liệu này được lưu trong các bucket, mang lại khả năng mở rộng gần như không giới hạn, giúp giảm thiểu chi phí lưu trữ các dữ liệu lớn.
Các ứng dụng được phát triển trong môi trường đám mây thường tận dụng sự linh hoạt và các đặc điểm về siêu dữ liệu của lưu trữ đối tượng. Chúng cũng có thể được sử dụng để tạo các data lake phục vụ mục đích phân tích, sao lưu hoặc lưu trữ lâu dài.
2. Lưu trữ tệp (File Storage)
Lưu trữ dưới dạng tệp là hình thức phổ biến, khi dữ liệu được lưu dưới định dạng thư mục và tệp tin. Loại lưu trữ này còn được biết đến với tên gọi lưu trữ nối mạng (NAS) với các giao thức chung như SMB được sử dụng trên Windows và NFS trên Linux.
3. Lưu trữ khối (Block Storage)
Các ứng dụng doanh nghiệp như cơ sở dữ liệu hoặc hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP) thường yêu cầu lưu trữ riêng biệt, với độ trễ thấp cho mỗi máy chủ. Điều này tương tự như việc sử dụng DAS hoặc SAN. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng một hình thức lưu trữ dưới dạng khối. Mỗi khối sẽ có một định danh duy nhất để lưu trữ và truy xuất nhanh chóng.
Tóm lại, lưu trữ đám mây không chỉ là một cách tiện lợi để giữ cho dữ liệu của doanh nghiệp an toàn và tiếp cận từ mọi nơi, mọi lúc, mà còn là một công cụ mạnh mẽ mang lại sự linh hoạt và hiệu quả chi phí trong thế giới công nghệ hiện đại. Bằng cách tận dụng công nghệ lưu trữ đám mây, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tính an toàn và liên tục của dữ liệu mà còn mở ra những cơ hội không ngừng cho sự đổi mới và phát triển.